Chụp cộng hưởng từ não giúp bạn phát hiện những bệnh lý của não nguy hiểm như nang, khối u, xuất huyết, phù nề, các bất thường về cấu trúc hoặc trong quá trình phát triển, các bệnh nhiễm trùng, tình trạng viêm, hoặc các vấn đề về mạch máu.
Chụp cộng hưởng từ não là gì?
Chụp cộng hưởng từ (MRI) não là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh an toàn và không gây đau nhờ sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh chi tiết của não và thân não. Chụp cộng hưởng từ khác với chụp CT (CAT scan,chụp cắt lớp điện toán) ở chỗ nó không sử dụng bức xạ.
Máy bao gồm một nam châm hình bánh rán lớn với một đường hầm ở trung tâm.. Bệnh nhân được đặt trên bàn có thể trượt vào trong đường hầm. Một số trung tâm có các máy cộng hưởng từ mở (open MRI) có khoảng hở lớn hơn để giảm bớt lo lắng cho những bệnh nhân sợ khoang kín (claustrophobia).
Trong lúc chụp, sóng radio đập vào các vị trí từ của các nguyên tử trong cơ thể, các tín hiệu được thu nhận bởi một ăng-ten mạnh và gửi đến một máy tính. Máy tính thực hiện hàng triệu phép tính, cho kết quả rõ ràng hình ảnh đen và trắng các mặt cắt ngang của cơ thể. Những hình ảnh này có thể được chuyển đổi thành hình ảnh ba chiều (3-D) của vùng được khảo sát. Điều này giúp xác định các trục trặc và bất thường trong não và thân não khi khảo sát tập trung vào những vùng này.
Tại sao phải chụp cộng hưởng từ (MRI) não?
MRI có thể phát hiện một loạt các tình trạng bệnh lý của não như nang, khối u, xuất huyết, phù nề, các bất thường về cấu trúc hoặc trong quá trình phát triển, các bệnh nhiễm trùng, tình trạng viêm, hoặc các vấn đề về mạch máu. Nó có thể xác định thông động tĩnh mạch (shunt) và phát hiện tổn thương não do chấn thương hay đột quỵ.
MRI não có thể hữu ích trong việc đánh giá các vấn đề khác như đau đầu dai dẳng, chóng mặt, yếu hoặc liệt cơ, suy giảm thị lực (nhìn mờ) hoặc động kinh, và nó có thể giúp phát hiện các bệnh mãn tính của hệ thần kinh, chẳng hạn như bệnh xơ cứng rải rác hay đa xơ cứng (Multiple Sclerosis).
Trong một số trường hợp, chụp cộng hưởng từ có thể cung cấp hình ảnh rõ ràng của các thành phần nhu mô não mà không thể thấy rõ trên phim X-quang, CT scan hoặc siêu âm, điều này làm cho chụp cộng hưởng từ có giá trị đặc biệt trong việc chẩn đoán các bệnh lý ở tuyến yên và thân não.
Chuẩn bị gì khi chụp cộng hưởng từ não?
Trong nhiều trường hợp, chụp cộng hưởng từ sọ não không đòi hỏi phải có sự chuẩn bị đặc biệt nào. Tuy nhiên, nếu con của bạn chụp, các kỹ thuật viên sẽ yêu cầu cháu bỏ các vật dụng có chứa kim loại (như kính mắt và đồ trang sức) ra ngoài, vì chúng có thể tạo ra điểm sáng hoặc trắng trên phim.
Nhận kết quả sau khi chụp cộng hưởng từ não
Những hình ảnh MRI sẽ được đọc bởi một bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, là người đã được đào tạo đặc biệt trong việc đọc kết quả. Bác sĩ này sẽ gửi một bản báo cáo đến bác sĩ của bạn (người đã chỉ định chụp MRI). Bác sĩ của bạn sẽ thảo luận về các kết quả cũng như giải thích ý nghĩa của chúng cho bạn. Trong hầu hết trường hợp, bệnh nhân hoặc gia đình không trực tiếp nhận kết quả ngay tại thời điểm chụp. Nếu MRI được chụp trong trường hợp cấp cứu, kết quả có thể được cung cấp nhanh hơn.
Những nguy cơ chụp cộng hưởng từ não
Chụp MRI là an toàn và tương đối dễ dàng. Không có nguy cơ cho sức khỏe nào liên quan đến từ trường hoặc sóng radio, vì sóng radio có năng lượng thấp và không sử dụng bức xạ. Chụp MRI có thể được lặp đi lặp lại mà không có tác dụng phụ.